Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng khảo sát tình hình xâm nhập mặn tại các huyện Kế sách, Long Phú và Trần Đề
     Ngày 25/3/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức kiểm tra công tác phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập tại các huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Tham gia Đoàn kiểm tra có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý dự án 2, Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng; lãnh đạo Huyện ủy các huyện Long Phú và Trần Đề, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện Long Phú, Kế Sách và Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

     Tại huyện Kế Sách, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiểm tra thực địa khu vực trồng lúa Đông Xuân muộn và mô hình trồng cây ăn trái tiết kiệm nước của hộ dân. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Kế Sách, trên địa bàn huyện có khoảng 9.300 ha đất trồng lúa, 18.080 ha đất trồng cây lâu năm. Nhờ thực hiện tốt công tác chuẩn bị và triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp nên chưa phát sinh thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn đối với lúa và cây ăn trái.
     Trên địa bàn huyện Long Phú, Đoàn đã khảo sát thực địa công trình cống âu Rạch Mọp đang thi công tại xã Song Phụng do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư, kiểm tra việc vận hành cống Bà Xẩm tại xã Long Đức và khu vực trồng lúa Đông xuân muộn thị trấn Long Phú. 
     Cống âu Rạch Mọp là công trình kiểm soát mặn, giữ nước ngọt, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững trên địa bàn các huyện: Kế Sách, Châu Thành, Long Phú,… và giảm thiểu ảnh hưởng do hạn mặn gây ra, tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt ứng phó các đợt mặn lên cao trên sông Hậu.
     Báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 cho biết, theo kế hoạch thì sẽ hoàn thành cống âu Rạch Mọp trong tháng 3/2025; hiện nay, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đang chỉ đạo Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để cố gắng hoàn thành, đưa công trình vào vận hành sớm nhất.
     Theo thông tin do Ủy ban nhân dân huyện Long Phú báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, mặc dù địa phương đã tích cực khuyến cáo, nhưng tại thời điểm đầu vụ thì giá lúa tăng cao, nước trên kênh còn đảm bảo tưới tiêu, nên nhiều nông dân đã xuống giống lúa Đông Xuân, với tổng diện tích khoảng 6.000 ha. Hiện nay, có khoảng 1.000 ha lúa có nguy cơ giảm năng suất do thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn; địa phương đang triển khai quyết liệt các giải pháp để giải quyết nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn.  

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng khảo sát thực địa tại vị trí cống âu Rạch Mọp đang thi công

     Điểm kế tiếp mà Đoàn đến kiểm tra là khu vực trồng lúa Đông Xuân Muộn tại xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề. Lãnh đạo địa phương cho biết, trên địa bàn huyện Trần Đề có khoảng 500 ha lúa Đông Xuân muộn; hiện nay, độ mặn đang tăng nên có khả năng ảnh hưởng đến năng xuất lúa; địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng kiểm tra thực địa khu vực trồng lúa tại huyện Trần Đề

     Qua buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quan trắc độ mặn; dự báo, cảnh báo tình hình khô hạn, xâm nhập mặn và thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó; vận hành hợp lý, hiệu quả các công trình thủy lợi, cống để lấy nước, tích trữ nước phục vụ cho sản xuất; tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, nạo vét các tuyến kênh thủy lợi trên địa bàn huyện Long Phú để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt; tính toán, khuyến cáo về lịch thời vụ xuống giống an toàn đối với vụ lúa tiếp theo trong năm 2024 để thông tin đến Nhân dân biết, thực hiện; đánh giá lại khả năng cung cấp nước của các trạm cấp nước sinh hoạt hiện hữu để có phương án, giải pháp tăng cường cung cấp nước sạch cho sinh hoạt khu vực nông thôn vào những tháng mùa khô; hướng dẫn Nhân dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước ngọt, áp dụng các biện pháp tưới tiêu, chăm sóc cây trồng tiết kiệm nước, có phương án dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất; triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng về việc không xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn.
     Về lâu dài, để ứng phó với khả năng xảy tra tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trong những năm tiếp theo và tăng thu nhập cho Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng dẫn nước, trữ nước, cung cấp nước ngọt của các tuyến kênh trục chính nội đồng trong từng khu vực để có kế hoạch mở rộng các tuyến kênh cho phù hợp; rà soát, đề xuất việc sửa chữa, thay thế cửa cống hiện hữu bằng cửa thủy lực để dễ dàng vận hành; tăng cường khuyến cáo Nhân dân trồng các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại từng địa phương trong tỉnh, có thị trường tiêu thụ; nghiên cứu, quy hoạch các vùng trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh,... cho phù hợp để tránh tình trạng xung đột về nhu cầu sử dụng nước ngọt và nước mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất của Nhân dân./.

 













Thống kê truy cập
  • Đang online: 336
  • Hôm nay: 498
  • Trong tuần: 2 286
  • Tất cả: 1689357
Cơ quan chủ quản: Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng 
Địa chỉ: 01 Châu Văn Tiếp, phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 822339 - 622225  Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.